Bình Dương: Cần xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép trên đất phi nông nghiệp

Bất cập trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại TP Thủ Dầu Một tồn tại nhiều hệ lụy, làm “khó” các cấp chính quyền. Việc xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch đô thị xảy ra tràn lan tại P. Phú Hòa, TP Thủ Dầu một, đang là nỗi báo động cần xử lý.

571

Mặc dù chính quyền tỉnh Bình Dương nhiều lần ban hành các chủ trương, giải pháp, để xóa bỏ vấn nạn này, thậm chí, gắn rõ trách nhiệm Chủ tịch UBND thành phố, thị xã, huyện, phường, xã, nhưng kết quả đạt được vẫn không chạm đến mục tiêu đặt ra và mong đợi của người dân. Trong khi những vi phạm tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm thì số công trình vi phạm mới vẫn liên tiếp xuất hiện. 

Điển hình nhiều biệt phủ rộng hàng nghìn m2 và các nhà dân xây dựng kiên cố, gồm nhà ở, sân, vườn, khu để xe cùng với tường rào kiên cố… được xây dựng trái phép trên đất phi nông nghiệp, không thuộc đất quy hoạch tọa lạc tại tổ 9, khu phố 9 đường Phú Lợi, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một. Dù đã báo cáo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương nhưng tới nay chưa xử lý.

tm-img-alt
tm-img-alt
Nhiều biệt phủ rộng hàng nghìn m2 và các nhà dân xây dựng kiên cố, gồm nhà ở, sân, vườn, khu để xe cùng với tường rào kiên cố… được xây dựng trái phép trên đất phi nông nghiệp

Theo ghi nhận của PV tại ngách 684/39 tổ 9, KP 9, đường Phú Lợi, phường Phú Hòa., nhiều ngôi nhà kiên cố đã tự ý sang nhượng và thi công xây dựng, thay đổi hiện trạng sử dụng đất mặc dù không được cơ quan chức năng cho phép.

Từ thực tế trên, PV đã liên hệ làm việc với UBND phường Phú Hòa được ông Nguyễn Lê Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “ Những nội dung liên quan đến sai phạm xây dựng đã được báo cáo Sở Xây dựng quản lý và xử lý”. 

Trước đó, vào ngày 23/12/2022, PV đã liên hệ với UBND thành phố Thủ Dầu Một về tình trạng này và được tiếp nhận sẽ phản hồi cho PV về công tác xử lý. Tuy nhiên, đã 3 tháng trôi qua, dù PV đã liên hệ nhiều lần nhưng vẫn không được phản hồi xử lý.

Dư luận rất bức xúc khi một công trình tồn tại nhiều năm qua nhưng việc ngăn chặn, xử lý vi phạm lại rất chậm, thiếu sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của chính quyền địa phương. Người vi phạm không trả lại hiện trạng đất như ban đầu, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công trình trái phép để sử dụng.

tm-img-alt
tm-img-alt
Việc người dân tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất rồi xây dựng công trình không phép diễn ra trong một thời gian dài, không được xử lý dứt điểm, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Một dự án, công trình xây có phép trên đất hợp pháp còn phải mất bao nhiêu thời gian, công sức từ xin giấy phép, trình báo chính quyền địa phương, ký thỏa thuận với hàng xóm… và chịu sự quản lý, kiểm tra thường xuyên của cơ quan chức năng… trong khi những công trình sai phạm xây trên đất phi nông nghiệp tại Phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một nhưng chính quyền lại không phát hiện để ngăn chặn. 

Câu hỏi đặt ra là liệu có sự bao che cho những vi phạm này? Cơ quan chức năng đã thực sự làm hết trách nhiệm của mình trong việc quản lý xây dựng?…

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Luật Đất đai năm 2013, đối với đất nông nghiệp, được phép xây dựng một số loại công trình, tuy nhiên các công trình này phải được dùng vào mục đích nông nghiệp như: Xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh…

Việc để xảy ra sai phạm xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp là biểu hiện buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể là lực lượng quản lý trật tự xây dựng, dẫn đến “hàng đàn voi” đã “chui lọt lỗ kim”. Hậu quả là hàng loạt công trình bị nghiền nát dưới máy xúc và sự lãng phí xã hội là rất lớn.

Thực tế biện pháp phá dỡ để việc quản lý trật tự xây dựng không “nhờn luật” là đúng. Nhưng cùng với việc cưỡng chế, cần làm rõ trách nhiệm, có hướng xử lý phù hợp nhằm tăng cường răn đe và ngăn chặn kịp thời những sai phạm tương tự. 

Để chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, cần thực hiện kiên quyết, đầy đủ các quy định của pháp luật trong xử lý vi phạm như công tác cưỡng chế, xử lý hình sự với các cá nhân, tổ chức vì mục đích kinh doanh trục lợi, gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và quyền lợi của nhân dân. 

Xử lý nghiêm những cán bộ thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu bao che,.., đồng thời phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, đất đai và các quy định pháp luật liên quan khác để người dân biết và chấp hành.

Ngoài ra, cần phát huy kênh tiếp cận và phát hiện vi phạm từ các cán bộ chuyên trách, công an cấp phường, xã, đặc biệt là người dân thông qua các hệ thống tiếp nhận trực tuyến nhanh chóng, công khai và minh bạch như cổng thông tin điện tử, email, điện thoại đường dây nóng… để có biện pháp xử lý ngay từ đầu và tận gốc./.