Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ về cơ cấu của giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Ngày 17/02, tại Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

392

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cần phải làm rõ một số vấn đề: giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh; làm rõ sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần rà soát lại kỹ lưỡng các vấn đề này.

Vấn đề tài chính – ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh thời gian qua còn có nhiều sai sót, vi phạm nhưng dự thảo Luật quy định còn chung chung. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ Điều 85, Điều 86 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo mọi khoản khi từ ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; cần làm rõ cơ sở khám, chữa bệnh đáp ứng các điều kiện gì thì được coi là cơ sở khám, chữa bệnh không vì mục tiêu lợi nhuận; rà soát lại các quy định hiện hành. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu kỹ hơn Điều 87, nhất là khái niệm chi phí chất lượng. Ngoài ra cần làm rõ cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thì gồm những loại gì.

Về cơ chế giá dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, để đồng bộ với Luật Giá thì xác định như thế nào, ai được quyết định vấn đề này? Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ về cơ cấu của giá dịch vụ khám, chữa bệnh cùng với Bộ Tài chính. “Hiện nay chúng ta chưa có cơ chế để quy định giá đối với cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp liên doanh, liên kết, hiện mới có giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Vậy chúng ta quy định như thế nào vấn đề này trong dự án Luật? Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ được hoàn toàn thì cơ cấu giá dịch vụ có được tính khấu hao hay không, cần tính toán thêm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Toàn cảnh phiên họp 

Theo dự thảo Luật, Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc để đảm bảo thống nhất. Tuy nhiên, dự án Luật cũng đã phân cấp cơ sở khám chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn: khám, chữa bệnh ban đầu; cơ bàn và chuyên sâu, do vậy, chi phí khám chữa bệnh mỗi cấp sẽ khác nhau, chưa kể đến sự khác biệt về chi phí khám, chữa bệnh theo vùng miền. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chăng Luật cần có quy tắc chung để xác định chi phí khám, chữa bệnh cho phù hợp với từng trường hợp trước khi giao Chính phủ và Bộ Y tế quy định.

Liên quan đến Điều 89, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu ấn định việc đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng thiết bị y tế từ nguồn NSNN, từ nguồn lực của các đơn vị sự nghiệp công lập để quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng ngân sách và nguồn lực công. Ngoài các thiết bị y tế như chi phí vật tư tiêu hao, thuốc cho khám chữa bệnh rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên chăng cần nghiên cứu bổ sung quy định khung về việc mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc cho khám chữa bệnh, chi phí vật tư tiêu hao, có thể giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổng rà soát lại để quy định những nội dung cụ thể cho việc khám, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tại, thảm họa, dịch truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc cấp giấy chứng chỉ hàng nghề có thời hạn hay không có thời hạn; khám, chữa bệnh với người nước ngoài… Các vấn đề này cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) rất quan trọng, liên quan đến chăm sóc sức khỏe của nhân dân, do vậy cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần đầu tư công sức kỹ lưỡng cho vấn đề này để đảm bảo chất lượng cao nhất. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thống nhất cao bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, quan trọng là công tác chuẩn bị kỹ, đủ điều điều kiện thì mới trình ra Quốc hội, chuẩn bị càng sớm càng tốt vì nhu cầu hiện đang cấp bách nhưng phải kỹ lưỡng, thận trọng.

Giải trình thêm về các vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội liên quan đến 10 nhóm vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng tới các nội dung của dự án Luật. Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các vấn đề này đã được đưa ra và thảo luận, làm rõ trong Tờ trình và Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật. Bộ trưởng nêu rõ, trong Tờ trình đã nêu, cơ quan soạn thảo sẽ bóc tách rất kỹ 2 vấn đề theo đúng nguyên tắc: đối với y tế dự phòng thì sẽ chi theo NSNN; đối với khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ chi theo Luật BHYT. Hiện Bộ Y tế đang được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), trong đó nêu rõ vấn đề này theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro và đóng hưởng.

Về cơ chế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, cơ quan soạn thảo cũng trao đổi, thảo luận nhiều và cho rằng, nếu đưa ra khung cứng thì sẽ không tạo được sức cạnh tranh, không phát triển được y tế tư nhân. Nhưng có ý kiến cho rằng, phải quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Vấn đề này còn nhiều vướng mắc, do vậy Bộ trưởng cho biết hiện đang thực hiện theo nguyên tắc chung cơ chế thị trường để đảm bảo chất lượng của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Liên quan đến vấn đề cấp giấy phép hành nghề hay vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến của các chuyên gia. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ghi nhận và sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và tiếp tục làm rõ thêm các vấn đề trong quá trình xây dựng dự thảo Luật trong thời gian tới.

TH