Phê duyệt quy hoạch tuyến đường sắt Tây Nguyên chiều dài 550 km

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

645

Mục tiêu đến năm 2030, sẽ cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ.

Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP. Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa. Trong đó, giai đoạn này sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước), với tổng chiều dài 550 km.

Hiện nay, đường bộ vẫn là mạng lưới giao thông chủ đạo ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. (Ảnh minh họa)
Hiện nay, đường bộ vẫn là mạng lưới giao thông chủ đạo ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. (Ảnh minh họa)

Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt, công bố quy hoạch theo quy định. Các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành và địa phương.

UBND các tỉnh, thành phố liên quan rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch này.

Theo: https://baodaklak.vn/kinh-te/202110/phe-duyet-quy-hoach-tuyen-duong-sat-tay-nguyen-chieu-dai-550-km-5a13211/