Thời hiệu khởi kiện và thực tiễn áp dụng pháp luật đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu áp dụng thời hiệu

756

TS. NGUYỄN THỊ MINH PHƯỢNG (TAND Tp Hồ Chí Minh) – Bài viết này, tác giả tập trung làm rõ pháp luật dân sự về thời hiệu khởi kiện và thực tiễn Tòa án áp dụng điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết.

1.Cơ sở lý luận về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

1.1. Thời hiệu khởi kiện

Quyền khởi kiện là quyền con người được Hiến pháp ghi nhận. Pháp luật có các quy định đảm bảo thực hiện quyền khởi kiện, nhưng cũng quy định giới hạn thời gian để chủ thể thực hiện quyền khởi kiện, giới hạn đó gọi là “thời hiệu khởi kiện”.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) thì thời hiệu khởi kiện là “Thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” [1]. Thời hiệu là thời gian do luật quy định, mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ. Trong quan hệ giao dịch dân sự, các chủ thể không thể tự thỏa thuận kéo dài hay rút ngắn thời hiệu khởi kiện; bất cứ thỏa thuận nào của các bên về không áp dụng thời hiệu khởi kiện đều không có giá trị pháp lý. Vì vậy chủ thể có quyền phải chủ động yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm trong thời gian do pháp luật quy định. Hết thời hiệu khởi kiện chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm sẽ mất quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật, không được pháp luật bảo vệ; bên có nghĩa vụ không bị cưỡng chế bắt buộc thực hiện nghĩa vụ. Các bên chỉ có thể thỏa thuận thực hiện khi bên có nghĩa vụ tự nguyện thực hiện và theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) quy định: “Các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự” [2].

1.2. Cách xác định thời hiệu khởi kiện

Ở một số quốc gia trên thế giới như Anh, Úc, New Zealand… thời hiệu khởi kiện được quy định thành một đạo luật riêng biệt. Theo pháp luật dân sự Việt Nam tùy thuộc vào loại vụ việc, quan hệ pháp luật tranh chấp (Hợp đồng, bồi thường thiệt hại, lao động, thừa kế, tranh chấp thương mại, …) mà pháp luật có quy định khác nhau về thời hiệu khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện không chỉ được quy định tại BLDS mà còn được quy định ở một số các văn bản luật chuyên ngành khác như Luật Thương mại, Bộ luật Lao động, Luật Trọng tài thương mại, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam… và thời hiệu được áp dụng theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan. Do vậy, đòi hỏi chúng ta phải xác định được quan hệ pháp luật tranh chấp tương ứng với loại thời hiệu khởi kiện được quy định tại văn bản pháp luật nào để từ đấy xác định đúng thời hiệu khởi kiện (ví dụ: Tranh chấp hợp đồng là 03 năm theo Điều 429 BLDS 2015, tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm theo khoản 2 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019…); đồng thời, phải xác định đúng thời điểm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể có quyền bị xâm phạm để tính thời hiệu khởi kiện.

Để tính thời hiệu khởi kiện chính xác phải xác định được thời điểm bắt đầu tính thời hiệu, nếu không xác định được thời điểm bắt đầu tính thời hiệu sẽ không thể xác định được thời điểm kết thúc thời hiệu. Khi tính thời hiệu phải tuân thủ cách tính thời hạn. Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu đến thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu. Tuy nhiên, không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp: i) Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu; ii) Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn liền với tài sản; iii) Tranh chấp quyền sử dụng đất. Đối với giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội và do giả tạo thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế. Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tòa án khi giải quyết tranh chấp dân sự, cũng như trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án của Viện kiểm sát.

1.3. Hệ quả của áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện theo yêu cầu

Theo khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”. Đây là quy định mới về thời hiệu khởi kiện, phù hợp với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Khi hết thời hiệu khởi kiện, chủ thể vẫn có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với vụ việc hết thời hiệu khởi kiện nhưng người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu từ chối áp dụng thời hiệu, không ai có yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Chỉ khi hết thời hiệu khởi kiện và có đương sự yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án thì Tòa án mới căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 để quyết định đình chỉ giải vụ án. Như vậy, Tòa án không được tự ý viện dẫn lý do đã hết thời hiệu khởi kiện để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Quy định nêu trên của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam đã bảo vệ gần như tuyệt đối quyền khởi kiện cho chủ thể có quyền và có nét tương đồng với quy định của Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế tại khoản 1 Điều 10.9: “Việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực nếu bên có nghĩa vụ viện dẫn việc hết thời hiệu như là một biện pháp tự vệ” và Điều 2223 BLDS Pháp quy định Thẩm phán không thể tự viện dẫn việc hết thời hiệu khởi kiện.

2. Thực tiễn xác định thời hiệu khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án theo yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện

Tóm tắt vụ án: Ngày 17/01/2012, Quỹ bảo lãnh tín dụng A (viết tắt là nguyên đơn) và Văn phòng Luật sư B (viết tắt là bị đơn) ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý số 01/HĐ-DVPL, thỏa thuận bị đơn có trách nhiệm tham gia vụ án với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đến khi giải quyết xong vụ án, phí dịch vụ: 25% tổng số tiền nguyên đơn được Tòa án tuyên miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Công ty C và thanh toán 02 đợt. Đến ngày 12/7/2012, các bên ký Phụ kiện hợp đồng số 01/PK-HĐ sửa đổi Điều VI của Hợp đồng dịch vụ pháp lý ngày 17/01/2012, theo đó thỏa thuận bị đơn giúp thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án đã có hiệu lực PL để xét xử lại theo thủ tục chung; tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đến khi TAND giải quyết xong vụ án; chi phí khoán gọn 25% tương đương 5 tỷ đồng chuyển thành tiền hứa thưởng. Nguyên đơn đã chi tạm ứng cho bị đơn số tiền 1,2 tỷ đồng. Từ ngày 28/02/2014 đến tháng 1/2015, nguyên đơn đã gửi nhiều văn bản cho bị đơn yêu cầu trả lại số tiền 1,2 tỷ tạm ứng vì cho rằng bị đơn đã không hoàn thành công việc theo thỏa thuận nhưng các bên không thỏa thuận được cách thức giải quyết.

Trong thời gian từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2016 Thanh tra nhà nước của thành phố X thực hiện thanh tra hoạt động của nguyên đơn. Ngày 22/6/2016, Thanh tra thành phố đã chuyển hồ sơ đến CQCSĐT yêu cầu điều tra làm rõ và kiến nghị khởi tố đối với cá nhân sai phạm liên quan đến hoạt bảo lãnh và ký, thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý và Phụ kiện hợp đồng ngày 12/7/2012. CQCSĐT đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 3/8/2017 và quyết định khởi tố bị can ngày 03/8/2018 đối với người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn do “Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và tiến hành điều tra.

Tại Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố ngày 15/6/2018 của CQCSĐT xác định: Chưa thấy nguyên đơn và bị đơn cấu kết, móc nối thông qua hợp đồng dịch vụ pháp lý để chiếm đoạt tiền của Nhà nước; vụ việc này chỉ là tranh chấp dân sự nếu các bên không tự giải quyết có thể khởi kiện tại TAND có thẩm quyền; không có dấu hiệu về tội phạm nên không có cơ sở xử lý hình sự về vụ việc này. Ngày 24/9/2019, UBND thành phố có Thông báo kết quả thực hiện kết luận Thanh tra.

Ngày 20/7/2020, nguyên đơn khởi kiện đến Tòa án yêu cầu bị đơn phải hoàn trả lại số tiền 600 triệu đồng đã tạm ứng trước.

Bị đơn trình bày: Đã nhận tạm ứng 1,2 tỷ đồng của nguyên đơn. Bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn vì đã thực hiện 1 phần công việc, khi đang thực hiện công việc theo thỏa thuận thì nguyên đơn không hợp tác, và từ ngày 28/2/2014 đến tháng 1/2015 nguyên đơn có nhiều văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng và tố cáo bị đơn đến CQCSĐT. Ngày 24/12/2020 bị đơn có đơn đề nghị Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đình chỉ giải quyết vụ án với lý do hết thời hiệu khởi kiện.

Tòa án đã xác định: Từ cuối năm 2014 nguyên đơn đã biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm nhưng vẫn không khởi kiện, đến ngày 20/7/2020 mới gửi đơn khởi kiện và Tòa án thụ lý. Theo Điều 429 BLDS năm 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết là 3 năm kể từ năm 2014, ngày 24/12/2020 bị đơn có văn bản yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời hiệu khởi kiện; căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 Tòa án ban hành Quyết định số 163/2021/QĐST-DS ngày 24/3/2021 đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu của bị đơn.

Nguyên đơn có đơn kháng cáo, cho rằng việc đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là trái quy định của pháp luật.

Quan điểm của tác giả. Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” hoàn toàn chính xác; tuy nhiên, để có căn cứ xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết vụ án theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của bị đơn đúng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS hay không thì phải làm rõ các vấn đề pháp lý sau:

Thứ nhấtNội dung thỏa thuận chi phí dịch vụ của các bên tại Phụ kiện hợp đồng ngày 12/7/2012 có vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội hay chứa đựng sự giả tạo không? Căn cứ pháp lý xác định.

Đối tượng tranh chấp trong vụ án này là khoản tiền chi phí dịch vụ được thỏa thuận tại Hợp đồng dịch vụ pháp lý và Phụ kiện hợp đồng. Vì vậy, bắt buộc Tòa án phải xác định nội dung các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phụ kiện hợp đồng có phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hay không? Theo thỏa thuận công việc bị đơn phải thực hiện với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trong vụ án dân sự; do vậy, các quy định của Luật Luật sư năm 2006 và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư năm 2011 sẽ được áp dụng để xem xét tính hợp pháp của hợp đồng dịch vụ pháp lý và phụ kiện kiện hợp đồng ngày 12/7/2012. Tại Điều 2 của Phụ kiện hợp đồng sửa đổi Điều IV của Hợp đồng dịch vụ pháp lý mà các bên ký kết có nội dung: “Khoán gọn 25% tương đương 5 tỷ đồng chuyển thành tiền hứa thưởng. Nếu VKSNDTC ra kháng nghị giám đốc thẩm hủy án có hiệu lực pháp luật thưởng 600 triệu đồng. TANDTC ra quyết định giám đốc chấp nhận kháng nghị tuyên hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật thưởng 600 triệu đồng; xét xử sơ thẩm lần 2 tuyên nguyên đơn không phải bảo lãnh cho Công ty TNHH Dược phẩm A thưởng 2 tỷ đồng. Nếu bản án sơ thẩm lần 2 bị kháng cáo, kháng nghị mà bản án phúc thẩm tuyên y án thưởng 1,8 tỷ đồng”.

Theo khoản 2 Điều 5 Luật Luật sư năm 2006 quy định nguyên tắc hành nghề luật sư: “Tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư” và tại điểm 14.11 Điều 14 của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam năm 2011 quy định về những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng: “Cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc để tính thù lao theo kết quả cam kết”. BLDS sự quy định “Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.

Đối chiếu các quy định pháp luật nêu trên cho thấy, nội dung các bên thỏa thuận về chi phí tại Phụ kiện hợp đồng ngày 12/7/2012 thể hiện cam kết bảo đảm kết quả vụ việc để tính thù lao theo kết quả cam kết” nên đã vi phạm điều cấm của luật. Do vậy, hợp đồng dịch vụ pháp lý và phụ kiện hợp đồng đã vô hiệu theo quy định tại Điều 128 BLDS 2005 (nay là Điều 124 BLDS 2015). Theo quy định tại Điều 136 BLDS 2005 (nay là Điều 132 BLDS 2015) thì thời hiệu tuyên bố giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật là không bị hạn chế.

Thứ hai. Thời gian CQCSĐT tiến hành điều tra vụ việc theo trình tự thủ tục tố tụng của vụ án hình sự có được xác định là “trở ngại khách quan” không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự hay không? Vấn đề này thực tiễn xét xử đang tồn tại hai quan điểm.

Quan điểm thứ nhất: Thời gian CQCSĐT tiến hành điều tra theo trình tự thủ tục tố tụng của vụ án hình sự đối với giao dịch dân sự liên quan được xem là trở ngại khách quan làm cho đương sự có quyền không thể thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự và thời gian này sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Thời hiệu khởi kiện sẽ được bắt đầu tính từ ngày chủ thể có quyền khởi kiện biết được nội dung Bản kết luận điều tra của CQCSĐT xác định vụ việc không cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án hình sự.

Quan điểm thứ hai: Thời gian CQCSĐT tiến hành điều tra theo trình tự thủ tục tố tụng của vụ án hình sự đối với giao dịch dân sự liên quan không được xem là trở ngại khách quan và vẫn tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự vẫn phải nộp đơn khởi kiện tại TAND có thẩm quyền để được xem xét giải quyết theo trình tự vụ án dân sự. Nếu đương sự chứng minh được vụ án dân sự liên quan đến vụ án hình sự đang được CQCSĐT tiến hành điều tra thì Tòa án sẽ căn cứ các quy định của pháp luật tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất, vì một vụ việc không thể đồng thời tiến hành giải quyết theo hai trình tự thủ tục tố tụng hình sự và dân sự.

Về nguyên tắc. Để Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do hết thời hiệu khởi kiện thì ngoài việc căn cứ vào yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện của một trong các bên đương sự, đòi hỏi Thẩm phán phải xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, từ đó lựa chọn văn bản pháp luật quy định về thời hiệu khởi kiện tương ứng để áp dụng thời hiệu phù hợp; đồng thời, phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác do các bên đương sự cung cấp để làm rõ lý do tại sao trong khoảng thời gian pháp luật cho phép, người có quyền khởi kiện nhưng không thực hiện quyền khởi kiện? Vụ án có thuộc trường hợp thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 156 BLDS 2015 không? hay thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo Điều 155 BLDS 2015? Hoặc thuộc trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án theo quy định tại Điều 157 BLDS 2015? đồng thời, xác định hợp đồng có vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự dẫn đến bị vô hiệu theo quy định tại các điều 123, 124, 125, 126, 127, 128 và Điều 129 của BLDS 2015 không để có căn cứ giải quyết vụ án được chính xác.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là khoảng thời gian liên tục. Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện do luật định, nhưng thời điểm khởi kiện do đương sự quyết định. Theo Điều154 BLDS 2015 “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”; như vậy, người có quyền khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm nhưng không nộp đơn khởi kiện trong thời hạn luật định thì khi thời hạn trên kết thúc, họ sẽ mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định các trường hợp thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự tại Điều 156 BLDS năm 2015 gồm: (1) Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. (2) Chưa có người đại diện theo pháp luật. (3) Chưa có người đại diện khác thay thế và đưa ra định nghĩa “Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”. Như vậy, khi chủ thể có quyền khởi kiện rơi vào trường hợp trở ngại khách quan thì được xác định là có lý do chính đáng làm cho người khởi kiện không thực hiện được việc khởi kiện trong thời hạn luật định. Và thời gian diễn ra trở ngại khách quan sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện, khi đó thời hiệu khởi kiện sẽ được kéo dài thêm.

Trong vụ án này, không phải nguyên đơn không quan tâm đến quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm. Theo Tòa án xác định từ cuối năm 2014 nguyên đơn đã có văn bản yêu cầu bị đơn trả tiền, như vậy thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện là từ cuối năm 2014. Tại thời điểm này, theo quy định tại Điều 427 BLDS 2005 thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; như vậy, thời điểm kết thúc thời hiệu khởi kiện là cuối năm 2016. Tuy nhiên, tháng 6/2016 CQCSĐT đang tiến hành điều tra làm rõ và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự đối với việc ký- thực hiện Hợp đồng dịch vụ pháp lý ngày 17/01/2012 và phụ kiện hợp đồng ngày 12/7/2012 đối với cá nhân, tổ chức liên quan theo yêu cầu của Thanh tra thành phố, đến ngày 15/6/2018 CQCSĐT mới có Bản kết luận điều tra.

Như vậy, có thể thấy khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến ngày 15/6/2018 vụ việc đang được CQCSĐT tiến hành làm rõ có hành vi sai phạm nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà nước hay không, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án hình sự chứ không phải giải quyết theo thủ tục dân sự. Đây cũng chính là thời điểm nguyên đơn biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm và nằm trong thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật dân sự. Nhưng do khoảng thời gian này CQCSĐT đang tiến hành điều tra vụ việc theo thủ tục tố tụng hình sự nên nguyên đơn không thể thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự. Do đó, thời gian từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2018 phải được xác định là trở ngại khách quan và không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Thời hiệu khởi kiện sẽ được bắt đầu từ ngày kết thúc trở ngại khách quan đó, cụ thể là ngày nguyên đơn nhận được hoặc biết được Bản kết luận điều tra của CQCSĐT không khởi tố vụ án đối với việc ký, thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý và Phụ kiện hợp đồng giữa các bên.

Theo Điều 4 của Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/12/2016 của Hội đồng thẩm phán TANDTC từ ngày 01/7/2017 Tòa án áp dụng quy định tại BLTTDS 2015, BLDS 2015 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự. Ngày 24/9/2019, UBND thành phố có Thông báo kết quả thực hiện kết luận Thanh tra đến ngày 20/7/2020, nguyên đơn nộp đơn khởi kiện tranh chấp. Như vậy, nếu Hợp đồng dịch vụ pháp lý và Phụ kiện hợp đồng mà các bên ký kết không vi phạm điều cấm của luật, không thuộc trường hợp trở ngại khách quan thì thời hiệu khởi kiện của vụ án sẽ áp dụng quy định tại Điều 429 BLDS 2015 là 03 năm tính từ ngày 01/7/2017.

Tuy nhiên, như trên đã phân tích do Phụ kiện hợp đồng các bên ký kết có nội dung vi phạm điều cấm của luật nên thời hiệu khởi kiện là không hạn chế. Mặt khác, xét khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2018 CQCSĐT đang tiến hành hoạt động điều tra vụ việc theo trình tự thủ tục tố tụng của vụ án hình sự nên thời gian này không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự mà thời hiệu khởi kiện là 03 năm bắt đầu tính từ ngày Thanh tra công bố kết luận điều tra (ngày 24/9/2019), nên vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện. Do vậy, Tòa án không thể xác định vụ án hết thời hiệu khởi kiện để áp dụng thời hiệu khởi kiện theo yêu cầu của bị đơn đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015.

Kết luận: Từ thực tiễn trên cho thấy còn nhiều hạn chế trong nhận thức pháp luật về thời hiệu dẫn đến việc áp dụng quy định về thời hiệu để đình chỉ giải quyết vụ án theo yêu cầu áp dụng thời hiệu là chưa chính xác. Đồng thời, cho thấy việc nhận diện trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện là chưa thống nhất và không đơn giản. Để việc áp dụng pháp luật về thời hiệu chính xác, phù hợp cần có sự hướng dẫn cụ thể của TANDTC về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự đối với trường hợp “trở ngại khách quan” do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho chủ thể có quyền không thể thực hiện quyền khởi kiện.

Bài viết mang tính trao đổi quan điểm, tác giả mong nhận được sự đóng góp ý kiến và trao đổi với mục đích góp phần hoàn thiện hơn chế định về thời hiệu khởi kiện.

Hội đồng xét xử TAND Quận 7 TP HCM xét xử vụ án “tranh chấp tài sản bán đấu giá” -ẢNH: THANH ĐÔNG/BTN

Theo: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/thoi-hieu-khoi-kien-va-thuc-tien-ap-dung-phap-luat-dinh-chi-giai-quyet-vu-an-dan-su-theo-yeu-cau-ap-dung-thoi-hieu