Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững

718

Sáng 26-7, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam phối hợp với Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội Thảo “Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững”.

Hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về ESG, xác định thực trạng ESG tại Việt Nam, bao gồm các khuôn khổ, kinh nghiệm thực hành ESG quốc tế, khuôn khổ pháp lý và các chủ trương chính sách của nhà nước. Từ đó, thúc đẩy thực hành ESG, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao sức khoẻ về tài chính xanh, góp phần vào sự lớn mạnh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Thuật ngữ ESG được xuất hiện từ năm 2004 ở lĩnh vực tài chính khi Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc đưa ra với mong muốn áp dụng môi trường, xã hội và quản trị vào các lĩnh vực phân tích, quản lý tài sản và môi giới chứng khoán; sau đó, dần dần phổ biến ở các lĩnh vực khác.

Trong quá trình vận hành công ty, ESG là 3 trụ cột trong xu thế kinh doanh mới, gắn bó chặt chẽ với nhau, đóng vai trò như kim chỉ nam giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro cũng như cơ hội ở ba khía cạnh này.

Hiện nay, các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và quản trị doanh nghiệp yếu kém đòi hỏi phải có sự chuyển đổi nhanh chóng để phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, chỉ số ESG đã trở thành công cụ quan trọng để đánh giá mức độ tuân thủ trách nhiệm của một doanh nghiệp. Việc tích hợp các nguyên tắc, khung quản trị rủi ro như ESG vào chiến lược cũng như mục tiêu của doanh nghiệp nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, được xem là “cánh cửa” thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện trong tương lai…

Đại dịch Covid 19 đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế xã hội của cả thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức, việc phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách đồng thời cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nhiều khảo sát cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Cụ thể là, Báo cáo triển vọng kinh doanh 2023 của UOB đã thực hiện khảo sát hơn 4000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp ASEAN và Trung Quốc cho thấy 94% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhận ra được mức độ quan trọng của phát triển bền vững.

Mặc dù gặp phải nhiều rào cản và ESG mới chỉ bắt đầu ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã dần cam kết và thực hiện ESG. Cũng trong báo cáo của UOB, Việt Nam cùng với Thái Lan được đánh giá là 2 quốc gia dẫn đầu về áp dụng tính bền vững, với 51% đã bắt đầu thực hành các hoạt động bền vững.

Trong Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam của PwC với sự tham gia của 234 doanh nghiệp tại Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2022, thì có đến 44% đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG, 36% đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2 đến 4 năm tới.

Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia ESG chiếm tỷ lệ không cao. Năm 2022, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án USAID IPSC, đã thực hiện cuộc khảo sát về nhận thức của doanh nghiệp, cho thấy rằng việc tiên phong áp dụng ESG diễn ra hầu hết là doanh nghiệp lớn như FDI, doanh nghiệp đại chúng, các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu… Trong khi chỉ có 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chủ động triển khai ESG và 21% không cân nhắc triển khai ESG trong 2 đến 4 năm tới.

Báo cáo của PwC cũng cho thấy 57% doanh nghiệp FDI đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG, nhưng tỷ lệ này ở công ty niêm yết chỉ chiếm 35%, thậm chí thấp hơn cả doanh nghiệp tư nhân/ gia đình (40%). Trong số các doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết thì có đến 60% là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều minh chứng từ các cuộc khảo sát cũng cho thấy, từ cam kết đến hành động là một hành trình khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Khi trong 80% doanh nghiệp đã có hoặc dự định tham gia ESG, PwC đã thống kê được, có đến 34% không có chương trình ESG và chỉ có 22% doanh nghiệp có chương trình ESG toàn diện. Số liệu cũng cho thấy mức độ các doanh nghiệp chú trọng vào báo cáo ESG không cao. Cũng trong báo cáo của PwC, ở Việt Nam cho thấy có đến 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát không có hoặc hạn chế báo cáo các vấn đề ESG ra bên ngoài và chỉ có 15% công bố báo cáo ra bên ngoài một cách toàn diện.

Thúy Nhi