TPHCM: Chuẩn bị đưa ra xét xử vụ luật gia kiện thân chủ hàng chục tỷ đồng

Tranh chấp giữa luật gia Đặng Đình Thịnh và thân chủ là một trong những vụ án gây chú ý khi luật gia kiện đòi chính thân chủ của mình với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

663

4666666-w435-h500.jpg

Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao

Theo kế hoạch, chiều ngày 23/5, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lại vụ “Tranh chấp hợp đồng hứa thưởng và các tranh chấp khác” giữa luật gia Đặng Đình Thịnh với bà Vương Thị Khanh và ông Nguyễn Đắc Quang. Đáng chú ý, người bị khởi kiện chính là thân chủ của luật gia và số tiền kiện đòi lên đến 147 tỷ đồng.

Trước đó, vụ án đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm hủy Bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại.

Theo hồ sơ vụ án, nhà và đất tại số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng bà Vương Thị Khanh và ông Nguyễn Đắc Kha. Năm 1982, vợ chồng ông Kha xuất cảnh đi nước ngoài. Trước khi xuất cảnh, năm 1980, vợ chồng ông Kha có Giấy uỷ quyền cho ông Phan Bình quản lý, sử dụng căn nhà. Giấy uỷ quyền này được cơ quan chức năng chấp thuận năm 1981.

Năm 1999, căn nhà này bị UBND TP.HCM quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước với lý do thuộc diện nhà vắng chủ.

acb1-w581-h400.jpg

Vụ án sẽ được TAND TP. HCM đưa ra xét xử lại vào ngày 23/5

Sau khi ông Kha qua đời, năm 2007 bà Khanh và con trai là ông Nguyễn Đắc Quang (bà Khanh và ông Kha có 9 người con) về Việt Nam, thông qua sự giới thiệu, đã gặp và ký kết hợp đồng uỷ quyền cho ông Đặng Đình Thịnh (luật gia) thay mặt mình thực hiện các thủ tục pháp lý để đòi lại căn nhà nêu trên.

Ngày 03/01/2007, bà Khanh, ông Quang và ông Thịnh đã lập Hợp đồng hứa thưởng với nội dung trả thưởng cho ông Thịnh 15% trên tổng giá trị nhà đất mà gia đình bà Khanh được Nhà nước giao trả khi ông Thịnh đòi được căn nhà.

Theo nguyên đơn ông Đặng Đình Thịnh thì bà Khanh, ông Quang và ông Thịnh tiếp tục ký kết 03 phụ lục hợp đồng nâng mức thưởng lên 35% giá trị nhà đất đòi được. Các phụ lục Hợp đồng này đều được ký tại Hoa Kỳ, có chứng nhận của Công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng tại Hoa Kỳ nhưng không được hợp pháp hoá lãnh sự.

Năm 2011, Nhà nước ban hành quyết định giao trả lại nhà cho gia đình bà Khanh. Sau khi được giao trả nhà, giữa bà Khanh, ông Quang và ông Thịnh lại xảy ra tranh chấp về mức trả thưởng. Do đó, ông Thịnh đã khởi kiện bà Khanh và ông Quang ra Tòa.

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Quốc Liễu – Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Kinh tế – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Đắc Hiếu (một trong những người thừa kế của bị đơn) cho biết: “Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều quan hệ tranh chấp: tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng hứa thưởng giữa ông Thịnh (nguyên đơn) với bà Khanh, ông Quang (đồng bị đơn); Tranh chấp về hiệu lực của Văn bản khai nhận di sản thừa kế, quyền thừa kế, hợp đồng uỷ quyền, hợp đồng hứa thưởng giữa bà Phượng (người thừa kế quyền nghĩa vụ của bà Khanh, nhưng đồng thời cũng là người thừa kế của ông Quang) với ông Hiếu (người thừa kế quyền nghĩa vụ của ông Quang)”.

lieu-oki-w603-h400.jpg

Ông Tạ Quốc Liễu – Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Kinh tế

Cũng theo ông Liễu, ngoài việc tranh chấp trên còn có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thuê Căn Nhà giữa ngân hàng ACB với phía bị đơn; Tranh chấp về hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng căn nhà giữa bà Hà với những người thừa kế của ông Quang (liên quan đến việc chuyển nhượng nhà đất giữa ông Quang và bà Hà); tranh chấp về hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng căn nhà giữa ông Hoàng với những người thừa kế của ông Quang (liên quan đến việc chuyển nhượng nhà đất giữa ông Quang và ông Hoàng), và một số quan hệ tranh chấp khác nữa. Để giải quyết dứt điểm vụ án, đảm bảm thoả đáng quyền lợi của các đương sự, Toà án cần xem xét toàn diện các quan hệ tranh chấp và các tình tiết có trong hồ sơ vụ án.

Đây là vụ án tranh chấp dân sự rất được chú ý trong giai đoạn hiện nay bởi thời gian giải quyết kéo dài đã hơn 10 năm, qua cả cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm nay lại quay lại xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

Vụ án với nhiều tình tiết phức tạp này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc diễn biến và kết quả vụ án.