Trong những trang sử hào hùng của dân tộc, Tiểu đoàn 28 Đặc công Sư đoàn 7 đã khắc ghi tên mình như một biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu kiên cường. Là một trong những nhân chứng sống của thời kỳ lịch sử oanh liệt ấy, ông Lưu Xuân Nặng – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Truyền thống Cựu chiến binh Tiểu đoàn 28 Đặc công, không chỉ lưu giữ những ký ức hào hùng mà còn dành trọn tâm huyết để tri ân đồng đội đã ngã xuống.
Trong buổi trò chuyện, ông chia sẻ với chúng tôi về những chiến công hiển hách, sự hy sinh cao cả và những bài học sâu sắc từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Ông Lưu Xuân Nặng – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Truyền thống Cựu chiến binh Tiểu đoàn 28 Đặc công
Phóng viên (PV): Thưa ông, trước hết xin được cảm ơn ông đã nhận lời chia sẻ với chúng tôi. Ông có thể cho biết cảm nhận của mình khi nhìn lại hành trình chiến đấu oanh liệt của Tiểu đoàn 28 Đặc công?
Ông Lưu Xuân Nặng: Đối với tôi, Tiểu đoàn 28 Đặc công không chỉ là một đơn vị quân đội, mà còn là một gia đình lớn, nơi anh em đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Mỗi lần nhìn lại những chiến công của tiểu đoàn, tôi không chỉ tự hào mà còn nhớ đến những đồng đội đã hy sinh. Đó là những người anh hùng đã dâng hiến tuổi thanh xuân để giành lấy độc lập cho dân tộc.
PV: Ông có thể kể về một trận đánh mà ông cho là đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình?
Ông Lưu Xuân Nặng: Trong giai đoạn 1967-1974, Tiểu đoàn 28 tham gia hàng chục chiến dịch, thực hiện 1.645 trận đánh lớn nhỏ, trong đó có 29 trận cấp tiểu đoàn và 235 trận cấp đại đội. Đã tiêu diệt 1.432 lính Mỹ và chư hầu, 18.500 lính ngụy, bắt sống 166 tên, phá hủy 86 máy bay, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp quân sự, 120 khẩu pháo 105-155 ly, thu 50 máy thông tin và 200 súng các loại. Tuy nhiên, trận đánh đáng nhớ và để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là trận tấn công vào căn cứ sân bay Đồng Dù vào đêm 25 rạng sáng 26/2/1969. Đó là một chiến công lớn của tiểu đoàn và Binh chủng Đặc công, nơi chúng tôi tiêu diệt 1.270 tên Mỹ (có 127 giặc lái máy bay) 129 xe quân sự, phá hủy 125 máy bay, 12 khẩu pháo 105 ly, 4 kho đạn và dụng cụ chiến tranh. Trận đó, tôi cùng đồng đội đã phải mất nhiều ngày chuẩn bị, hành quân trong đêm, vượt qua sự canh phòng nghiêm ngặt của địch để ém sát mục tiêu. Mặc dù giành thắng lợi vang dội, nhưng tôi cũng mất đi nhiều đồng đội thân yêu. Những năm tháng chiến đấu hy sinh gian khổ của tiểu đoàn đã có 582 người con ưu tú của cả hai miền Nam, Bắc ngã xuống trên vùng đất miền Đông Nam bộ gian lao và anh dũng, để đổi lấy độc lập, tự do hôm nay. Nhiều liệt sĩ đã được đưa về các nghĩa trang yên nghỉ, nhưng còn nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt. Các anh đã hóa thân vào sông, núi, cỏ cây của mảnh đất miền Đông.
Ông Lưu Xuân Nặng chụp ảnh kỷ niệm cùng các đồng chí, đồng đội tại buổi Họp mặt kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam và Dâng hương tưởng niệm tri ân 582 liệt sĩ của Tiểu đoàn 28 Đặc công
PV: Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, điều gì đã giúp ông và đồng đội vượt qua được mọi khó khăn?
Ông Lưu Xuân Nặng: Chính là tình đồng chí, đồng đội và lý tưởng bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi luôn xác định rõ rằng mỗi chiến công là sự trả giá bằng máu và nước mắt, nhưng nếu không chiến đấu, đất nước sẽ mãi chịu cảnh chia cắt. Tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã ăn sâu vào từng người lính đặc công như chúng tôi.
Ông Lưu Xuân Nặng chụp ảnh kỷ niệm cùng các đồng chí, đồng đội Dâng hương tưởng niệm tri ân 582 liệt sĩ của Tiểu đoàn 28 Đặc công
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa và tinh thần của chiến thuật “Chiến thắng mà không để lại dấu vết” trong mỗi trận đánh của bộ đội đặc công?
Bộ đội đặc công nổi tiếng với lối đánh truyền thống đầy quả cảm và mưu trí: chân đất, mình trần, toàn thân hóa trang bằng lá cây rừng để hòa lẫn vào thiên nhiên. Ban đêm, các chiến sĩ âm thầm hành quân, luồn sâu vào sào huyệt của địch, ém sát những mục tiêu quan trọng. Khi đến giờ G, họ đồng loạt nổ súng, sử dụng thủ pháo và hỏa lực B40 – B41 để tấn công bất ngờ, tạo nên những chiến công vang dội. Tuy nhiên, mỗi trận đánh đều phải trả giá đắt, nhiều chiến sĩ hy sinh và không tìm thấy xác. Để chuẩn bị cho điều đó, trước giờ nổ súng, đơn vị thường bí mật đào sẵn huyệt mộ, nhằm chôn cất đồng đội ngay khi có thể. Đây chính là minh chứng cho tinh thần hy sinh cao cả và nguyên tắc “Chiến thắng mà không để lại dấu vết” của bộ đội đặc công.
Ông Lưu Xuân Nặng chụp ảnh kỷ niệm cùng các đồng chí, đồng đội tại buổi Họp mặt kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam và Dâng hương tưởng niệm tri ân 582 liệt sĩ của Tiểu đoàn 28 Đặc công
PV: Trong quá trình chiến đấu và xây dựng, Tiểu đoàn 28 Đặc công đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý. Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về ý nghĩa của những phần thưởng này đối với đơn vị và đồng đội?
Trong suốt quá trình chiến đấu và xây dựng, Tiểu đoàn 28 Đặc công đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với những chiến công lẫy lừng. Đơn vị được Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Quân công, 16 Huân chương Chiến công, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vinh dự nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”, “Dũng sĩ diệt máy bay” cùng nhiều huân huy chương khác. Đặc biệt, vào năm 1973, một đồng chí trong tiểu đoàn được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đến ngày 30/1/2011, Tiểu đoàn 28 Đặc công vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ Chủ tịch nước, là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến, hy sinh to lớn của đơn vị.
PV: Sau chiến tranh, ông và các đồng đội đã làm gì để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống?
Ông Lưu Xuân Nặng: Chúng tôi luôn tâm niệm rằng phải làm gì đó để tri ân những người đã hy sinh. Vì vậy, cùng với các cấp chính quyền và Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương, chúng tôi đã xây dựng Khu tưởng niệm 582 liệt sĩ của Tiểu đoàn 28 tại xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên. Công trình này là nơi để các thế hệ sau hiểu rõ hơn về sự hy sinh to lớn của cha ông, đồng thời là lời nhắc nhở về lòng biết ơn sâu sắc.
PV: Ông có lời nhắn nhủ nào muốn gửi đến thế hệ trẻ hôm nay không, thưa ông?
Ông Lưu Xuân Nặng: Tôi mong các bạn trẻ hiểu rằng độc lập, tự do mà các bạn đang có là thành quả của biết bao máu xương, công sức của cha ông. Hãy trân trọng và sống có trách nhiệm, không ngừng học tập, phấn đấu để xây dựng đất nước giàu mạnh. Lịch sử là bài học quý giá nhất, và việc giữ gìn, phát huy truyền thống dân tộc là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.
PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ đầy cảm xúc. Chúc ông luôn khỏe mạnh và tiếp tục truyền lửa cho thế hệ sau.
Phan Toàn – Thảo Vy