Cổ phiếu chứng khoán ‘bùng nổ’ nhờ triển vọng kinh doanh tích cực trong quý II?

38538

Triển vọng kinh doanh quý II của ngành chứng khoán được dự báo tích cực do nhiều cổ phiếu trong danh mục tự doanh tăng mạnh cùng với đó là thanh khoản được cải thiện đáng kể so với quý I.

Cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) trong phiên giao dịch ngày 20/5 tăng trần lên 38.500 đồng/cp, thiết lập đỉnh mới và vượt xa đỉnh cũ tại ngày 15/1 (36.950 đồng/cp). Tính từ cuối quý I đến nay, SSI đã tăng hơn 21%. Với 649,8 triệu cổ phiếu lưu hành, vốn hóa của SSI đạt 25.017 tỷ đồng (1,07 tỷ USD) và là công ty chứng khoán tỷ đô duy nhất trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh SSI, hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm ngành chứng khoán khác như VCI của Chứng khoán Bản Việt (HoSE: VCI), HCM của Chứng khoán TP HCM (HoSE: HCM), VND của Chứng khoán VNDirect (HNX: VND)… cũng đồng loạt bứt phá. Không chỉ riêng phiên 20/5, đà tăng của các cổ phiếu chứng khoán này cũng được kéo dài trước đó. VCI hiện tăng 19,6% so với cuối tháng 3, HCM tăng 22,3%…

Biến động giá của 10 cổ phiếu chứng khoán có vốn hóa lớn nhất.

Biến động giá của 10 cổ phiếu chứng khoán có vốn hóa lớn nhất.

Các cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh thời gian qua trong bối cảnh thị trường giao dịch sôi động và triển vọng kinh doanh của nhóm ngành này tiếp tục được đánh giá tích cực trong quý II.

Tự doanh và môi giới, bao gồm phí giao dịch và cho vay ký quỹ (margin), đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Nhiều cổ phiếu thuộc danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán liên tục tăng cao kèm với thanh khoản thị trường “bùng nổ” khiến nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán tiếp tục khởi sắc trong quý II.

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 20/5, VN-Index đứng ở mức 1.278,22 điểm, tăng 7% so với thời điểm cuối tháng 3. Theo thống kê, các cổ phiếu thuộc danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý I đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, điển hình như HPG, FPT, MWG, VPB…

Biến động giá của các cổ phiếu trong danh mục tự doanh một số CTCK.

Biến động giá của các một số cổ phiếu trong danh mục tự doanh CTCK.

Bên cạnh đà tăng của các chỉ số, sự cải thiện về mặt hệ thống từ phiên ngày 12/4 giúp thanh khoản trên HoSE có thể lên mức trên 20.000 tỷ đồng, cải thiện hơn với con số trên 16.000 tỷ đồng của trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân đầu quý II đến hết phiên 20/5 ở mức trên 21.500 tỷ đồng, tăng 25% so với quý I.

Giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường. Đơn vị: Tỷ đồng.

Giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường. Đơn vị: Tỷ đồng.

Việc thanh khoản thị trường ở mức rất cao thời gian qua được cho rằng vẫn đến từ yếu tố “tiền rẻ”. Mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn duy trì ở mức thấp với chỉ khoảng từ 5-6%, trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh bị chịu ảnh hưởng mạnh bởi làn song Covid-19 mới nên chứng khoán là một trong những kênh đầu tư được chú ý nhất. Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research cho rằng mặt bằng lãi suất vẫn sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong quý II do thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn khá dồi dào.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 4 ở mức 109.998 đơn vị, gấp 3 lần so với cùng kỳ dù giảm so với mức 113.191 đơn vị của tháng 3. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp cá nhân mở mới trên 100.000 tài khoản. Sự tham gia “ồ ạt” của nhà đầu tư “F0” vẫn được nhiều đơn vị đánh giá sẽ giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn trong thời gian tới.

Thanh khoản từ đầu quý II tăng mạnh sẽ giúp công ty chứng khoán hưởng lợi hoạt động môi giới, và có thể là cả cho vay ký quý (margin).

Hiện tại, đa phần các công ty chứng khoán đều để mức phí giao dịch từ khoảng 0,1%-0,25% giá trị giao dịch, cá biệt có những công ty chứng khoán để mức phí này thấp hơn hoặc miễn phí. Dù phí môi giới đã giảm đi đáng kể so với thời điểm trước đây nhưng so với với thanh khoản tăng rất mạnh thời gian qua thì mảng kinh doanh này cũng được kỳ vọng tích cực.

Đối với mảng cho vay margin, theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đến cuối quý I, dư nợ giao dịch ký quỹ đạt 101.400 tỷ đồng, tăng 53.600 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương với tăng 53%. Con số này được cho là tiếp tục có xu hướng tăng sau đó. Trong bối cảnh nguồn cho vay margin ngày càng cạn kiệt, các công ty chứng khoán đã có phương án tăng vốn để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động này. SSI muốn huy động gần 1.100 tỷ đồng thông qua chào bán 109,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6:1 cho cổ đông. Chứng khoán HSC sẽ phát hành 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 50%.

Nếu việc tăng vốn được tiến hành sớm trong thời gian tới sẽ giúp các CTCK có thêm nguồn vốn để bổ sung vào hoạt động cho vay margin, từ đó gia tăng lợi nhuận cũng như gián tiếp giúp tăng thanh khoản thị trường.

Tương tự, lãi suất cho vay margin cũng được duy trì ở mức thấp với mặt bằng chung chỉ khoảng từ 6-8%/năm. Tuy nhiên, tương tự như mảng môi giới, trước bối cảnh thị trường liên tục “nở” ra như hiện nay thì dù lãi suất thấp nhưng kết quả kinh doanh ở mảng margin cũng được kỳ vọng cải thiện hơn nữa. Cùng với đó, do mặt bằng lãi suất chung đã giảm xuống giúp chi phí huy động của các công ty chứng khoán cũng thấp hơn.

Nguồn: https://ndh.vn/doanh-nghiep/co-phieu-chung-khoan-bung-no-nho-trien-vong-kinh-doanh-tich-cuc-trong-quy-ii-1291450.html