Cần có những giải pháp hỗ trợ mạnh hơn cho doanh nghiệp

705

Do tình hình dịch bệnh kéo dài khiến cho việc phát triển kinh tế những tháng cuối năm là vô cùng khó khăn. Đặc biệt, việc vừa chăm lo sinh mệnh người dân, vừa nỗ lực bảo vệ sinh kế cho người dân, đây là mục tiêu kép vô cùng hệ trọng. Vì vậy, việc linh hoạt, uyển chuyển trong công tác đối phó với dịch Covid-19, để vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh tế. Và cũng cần quan tâm tới các giải pháp hỗ trợ mạnh hơn nữa để cứu doanh nghiệp.

21-1627783920.jpg
Nhiều DN lao đao vì dịch, kéo theo đời sống và việc làm của hàng ngàn lao động bị ảnh hưởng. ( Ảnh minh họa)

Hàng chục nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Theo như báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại kỳ họp Quốc hội mới đây thì mỗi tháng có khoảng 12 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Lý do mà các doanh nghiệp này rút khỏi là bởi hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài khiến cho việc hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ, không thể cầm cự nổi. Chính vì vậy đã khiến cho nên kinh tế của chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, thách thức; nhiều hạn chế, yếu kém… Và thách thức lớn nhất hiện nay là đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm là rất khó khăn. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm. Các thị trường khác như tài chính, bất động sản, chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro. Giá cả một số mặt hàng cơ bản lại tăng sẽ dẫn đến gia tăng khả năng lạm phát và ảnh hưởng đến đầu tư toàn xã hội. Như vậy nhiều khả năng đứt gãy của chuỗi sản xuất, cung ứng khiến cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn.

Từ đó dẫn đến hậu quả là lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Kéo theo nhiều hệ lụy là các hành vi của tội phạm như lừa đảo, an ninh mạng…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cũng là điều kiện cần quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là phải kiểm soát và đẩy lùi được dịch COVID-19. Nhất là tại các khu vực động lực, thành phố lớn, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, không đánh đổi sức khỏe và sự an toàn của người dân đối với tăng trưởng bằng mọi giá. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các giải pháp cần được phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt, điều chỉnh trọng tâm, hợp lý giữa các mục tiêu kiểm soát dịch với tăng trưởng kinh tế, gắn liền với bối cảnh, tình hình cụ thể của mỗi địa phương”.

Về tình hình của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, các đơn hàng đã giảm mạnh, chi phí sản xuất lại đang tăng cao do giá nguyên vật liệu đầu, chi phí vận chuyển, logistic trong nước cao hơn so với các nước trong khu vực. Cũng bởi hiện chúng ta có đến 97% là doanh nghiệp nhỏ nên năng lực chưa đủ mạnh dẫn đến sức cạnh tranh thấp. Cùng với đó là đại dịch kéo dài khiến các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh theo kiểu cầm chừng, lại còn phải lo chi phí cho phòng ngừa COVID-19. Kéo theo đó là giảm doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán, bị gián đoạn hoạt động. Vì vậy mà số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng, trung bình mỗi tháng có tới gần 12 nghìn doanh nghiệp. Đã xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn rút khỏi thị trường.

Nhiều doanh nghiệp lao đao vì đại dịch

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, nhiều đại biểu nhận xét, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, được đánh giá là đạt mức tăng trưởng cao so với kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam là quốc gia duy nhất được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Như vậy, về mặt kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng dịch vụ và giảm tỉ trọng nông-lâm-thủy sản. Đầu tư khu vực Nhà nước tiếp tục giảm, đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tiếp tục tăng, góp phần ổn định kinh tế.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài khiến cho việc phát triển kinh tế những tháng cuối năm là vô cùng khó khăn. Vì vậy, việc linh hoạt, uyển chuyển trong công tác đối phó với dịch Covid-19, để vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh tế. Đặc biệt, việc vừa chăm lo sinh mệnh người dân, vừa nỗ lực bảo vệ sinh kế cho người dân, đây là mục tiêu kép vô cùng hệ trọng. 

Trong khi đó, kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua yếu. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng thấp ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Đây là tín hiệu rất lo ngại vì Việt Nam vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Nguyên do cũng bởi đại dịch Covid-19 kéo dài và các địa phương đang phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ. Cụ thể như hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải… đang lao đao, nhiều khi không còn khả năng vực dậy sau đại dịch, nếu không có biện pháp hỗ trợ thiết thực, mạnh mẽ. 

Vì vậy, việc hỗ trợ từ nhà nước sẽ hiệu quả hơn nếu tăng chi tiêu cho các đối tượng yếu thế. Đây sẽ là một mũi tên trúng được hai mục đích như vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được vấn đề xã hội.

Cần có giải pháp mạnh hơn để cứu doanh nghiệp

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vừa qua Chính phủ đã ban hành rất nhiều các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có thể kể đến các Nghị quyết 41, 42, 84, 68; các Nghị định 52, 44. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 116. Các chính sách này để giãn hoãn các khoản thuế, cơ cấu lại các khoản vay nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là kiến nghị các giải pháp, chính sách có thể giãn hoãn tối đa các khoản thuế, phí phải nộp cho doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia trong chuỗi liên kết, đổi mới sáng tạo; sửa đổi những quy định hỗ trợ cho quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo cơ chế luồng xanh cho hàng hóa và doanh nghiệp và người dân.

Một giải pháp khác là đẩy nhanh cơ chế tiêm vaccine cho người lao động các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú. Chính phủ cũng coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và có tính chất quyết định để ổn định phát triển kinh tế đất nước và hoàn thành được nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ là cấp bách nhưng chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch. Quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương nắm chắc tình hình thực tế. Cũng như phải thường xuyên rà soát và hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động, linh hoạt, kịp thời xây dựng các kịch bản chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. ..”

Hiện các Hiệp hội đại diện cho tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tha thiết đề nghị Chính phủ cần có thêm các gói hỗ trợ chính sách thuế mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, giảm 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2021; giảm thuế VAT xuống còn 5 %… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghiệp giảm 50% mức phí công đoàn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn, doanh thu bị hạn chế.

Nếu không nhanh chóng kéo dài chính sách giãn, giảm thuế; bổ sung các gói hỗ trợ trong ngắn hạn, đồng thời ổn định chính sách, không tăng thuế hoặc thêm sắc thuế mới trong dài hạn, cộng đồng doanh nghiệp khó có thể gượng dậy được.

Nếu như sắp tới đây, khi doanh nghiệp được hỗ trợ về mặt tài chính, còn người dân được tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin thì sẽ là động lực rất lớn để nền kinh tế có thể quay trở lại. Như vậy cả doanh nghiệp và người dân an tâm tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo: HỒNG ĐIỆP  (https://phaply.net.vn/can-co-nhung-giai-phap-ho-tro-manh-hon-cho-doanh-nghiep-a252815.html)