“Lùm xùm” dự án của Phúc Đạt Group, trách nhiệm thành phố Thủ Dầu Một ở đâu ?

1001

Liên quan đến việc giải quyết tái định cư cho các hộ dân tại dự án Phúc Đạt Group, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Dương cho rằng, trách nhiệm này thuộc về UBND thành phố Thủ Dầu Một.

Trách nhiệm giải quyết tái định cư là của thành phố Thủ Dầu Một

Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Dương vừa có công văn số 2842/STNMT-CCQLĐĐ gửi Sở Tài chính về việc kiến nghị giải quyết tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án Khu dân cư Phú Thuận.

Trong đó, Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết, ngày 23/6/2021, Sở nhận được văn bản 2126/STC-QLGSC ngày 18/6/2021 của Sở Tài chính đề nghị có ý kiến về nội dung kiến nghị giải quyết tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án Khu dân cư Phú Thuận của UBND thành phố Thủ Dầu Một.

Theo báo cáo số 156/BC-UBND ngày 2/6/2021, UBND thành phố Thủ Dầu Một kiến nghị nội dung giải quyết các trường hợp có thoả thuận với Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Cát Toàn (chủ đầu tư cũ của dự án) cho mua thêm nền tái định cư.

Qua xem xét, Sở Tài nguyên – Môi trường cho rằng, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giao đất cho hộ gia đình, cá nhân là của UBND cấp huyện.

Thông báo số 181/TB-UBND ngày 23/8/2018, UBND tỉnh đã giao UBND thành phố Thủ Dầu Một chủ trì, phối hợp Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phúc Đạt (chủ đầu tư mới của dự án) và Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Cát Toàn thực hiện rà soát, thống nhất phương án xử lý.

Căn cứ quy định nêu trên và thông báo số 181/TB-UBND ngàu 23/8/2018 của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên – Môi trường đề nghị Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh xem xét, giao UBND thành phố Thủ Dầu Một xây dựng và quyết định phương án giải quyết tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án Khu dân cư Phú Thuận đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và không phát sinh thắc mắc, khiếu nại.

Riêng về nội dung kiến nghị UBND tỉnh cho phép khấu trừ khoảng chênh lệch giữa đơn giá thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư với đơn giá bán nhà ở xã hội vào tiền sử dụng đất phải nộp của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phúc Đạt thì không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở Tài nguyên – Môi trường.

Trước đó, tại công văn 2611/UBNĐ-KT ngày 11/6/2021 về việc giải quyết tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án Khu dân cư Phú Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương  giao Sở Tài chính chủ trì, phối với với Sở Tài nguyên – Môi trường xem xét nội dung kiến nghị của UBND thành phố Thủ Dầu Một tại báo cáo số 156/BC-UBND ngày 2/6/2021.

Khu dân cư Phú Thuận tọa lạc vị trí kim cương ở Thủ Dầu Một được đổi tên thành Khu đô thị Phúc Đạt

Như Reatimes đã phản ánh, Khu dân cư Phú Thuận được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận địa điểm quy hoạch và đầu tư xây dựng tại Văn bản số 2311 ngày 2/6/2003, do Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Cát Toàn làm chủ đầu tư, với quy mô 32 ha.

Đến ngày 26/12/2003, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch Khu dân cư Phú Thuận với quy mô 21,7 ha. Ngày 11/9/2008, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án từ 21,7 ha thành 19 ha.

Trên cơ sở chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương, ngày 20/5/2009, UBND TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Khu dân cư Phú Thuận.

Đến ngày 3/6/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi chủ trương thực hiện dự án Khu dân cư Phú Thuận của Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Cát Toàn và giao Sở Xây dựng, UBND TP.Thủ Dầu Một tìm kiếm đơn vị có năng lực triển khai thực hiện.

Ngày 27/7/2016, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 2636/UBND-KTN chấp thuận cho Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phúc Đạt (Phúc Đạt Group) làm chủ đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư Phú Thuận, do trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương.

Dự án tranh chấp nhiều năm vì đền bù giải tỏa 

Theo thông tin được chủ đầu tư công bố, Khu dân cư Phú Thuận tọa lạc ở vị trí đắc địa với 3 mặt tiền đường Mỹ Phước – Tân Vạn, Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Hoa Thám nối dài, diện tích 19 ha với 1.200 sản phẩm đất nền, nhà phố liền kề, biệt thự và 439 căn hộ cao cấp.

Nhà phố liền kề có diện tích đất 100 m2 hiện được rao bán với giá trên 5 tỉ đồng/căn; đất nền trong dự án bán với giá trên 40 triệu/m2; giá chung cư gần 30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, người dân cho rằng phương án áp giá đền bù giải tòa mà chính quyền địa phương phê duyệt, làm cơ sở cho Phúc Đạt Group tự thực hiện bồi thường cho người dân, chỉ có 2,2 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp và 7,2 triệu đồng/m2 đất ở đô thị (năm 2017), là chưa thỏa đáng.

Chính vì vậy, cho đến nay còn nhiều hộ dân không chấp nhận giá bồi thường nói trên, đồng thời gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo UBND TP.Thủ Dầu Một áp giá đền bù quá thấp, không phù hợp với giá thị trường.

Người dân trong khu quy hoạch dự án cho biết, đã nhiều lần khiếu nại lên UBND và HĐND tỉnh Bình Dương, nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp giải quyết thỏa đáng. Trong khi đó, họ lại không được xây dựng sửa chữa nhà khi bị hư hỏng, không được tách thửa cho con cháu…

Về giá đền bù đất người dân cho là “rẻ mạt”, UBND TP.Thủ Dầu Một trả lời báo chí cho rằng giá đền bù người dân (năm 2016) được căn cứ theo Điều 7 Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND ngày 18/12/2014 của UBND tỉnh Bình Dương quy định giá đất để tính bồi thường là giá đất cụ thể theo mục đích đang sử dụng của loại đất bị thu hồi, được UBND tỉnh Bình Dương quyết định đối với từng dự án.

Năm 2016, UBND TP.Thủ Dầu Một quyết định đền bù cho người dân trong diện giải tỏa để giao đất cho Khu dân cư Phú Thuận được áp giá đền bù đất của năm 2014 với giá 2,2 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp và 7,2 triệu đồng/m2 đất ở tại đô thị.

Ngoài ra, theo UBND TP.Thủ Dầu Một, Phúc Đạt Group còn hỗ trợ thêm đơn giá bồi thường đối với những hộ dân có đất nông nghiệp nằm trên đường Mỹ Phước – Tân Vạn và đường Nguyễn Văn Trỗi với giá từ 1,2 triệu đến 1,7 triệu đồng đồng/m2 (tùy theo vị trí).

Huy Hùng – Diệu Thúy