Chiều 9/5, tại khối phố Thanh Quýt 2, phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đông đảo người dân và gia quyến đã có mặt từ sớm, đứng chật kín con đường nhỏ dẫn vào nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trị – người con gái cả của Mẹ Nguyễn Thị Thứ, để tiễn đưa Mẹ về với cõi vĩnh hằng.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trị đã về đoàn tụ với người mẹ kính yêu cảu mình – Mẹ Việt Nam Anh hùng huyền thoại Nguyễn Thị Thứ!
Mẹ Lê Thị Trị đã khép lại hành trình trăm năm cuộc đời vào tối 4/5, sau thời gian lâm bệnh nặng. Dù được đội ngũ y bác sĩ cùng gia đình tận tình chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, Mẹ đã ra đi trong sự thanh thản và đầy viên mãn. 106 mùa xuân, một đời người kiên trung, một trái tim son sắt đã dừng lại, để lại niềm thương tiếc vô bờ trong lòng đồng bào cả nước.
Đúng 12h trưa ngày 9/5, tiếng kèn ngậm ngùi vang lên giữa cái nắng đổ lửa của Quảng Nam. Mặt đất chói chang nhưng lòng người lạnh buốt. Hàng trăm người lặng lẽ nghiêng mình tiễn biệt một biểu tượng bất khuất của đất mẹ anh hùng.
Trong giây phút cuối, giữa tiếng nhạc trầm buồn, dòng người đứng chật bên đường đưa tiễn Mẹ không nỡ rời xa. Có người lặng im, có người âm thầm khóc, cũng có những ánh mắt đỏ hoe hướng về cỗ linh cữu phủ cờ đỏ sao vàng – biểu tượng cao quý của cả một đời cống hiến.
Viếng hương Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị – Ảnh: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam
Tấm gương nối tiếp huyền thoại
Là con gái đầu lòng của Mẹ Nguyễn Thị Thứ, người Mẹ huyền thoại đã tiễn đưa 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại hy sinh vì độc lập dân tộc. Cuộc đời của Mẹ Lê Thị Trị là bản hùng ca tiếp nối của một dòng máu quả cảm và bất diệt.
Sinh năm 1919, nơi đất Quảng cằn cỗi nhưng giàu nghĩa khí, Mẹ lớn lên giữa khói lửa chiến tranh. Khi quê hương chìm trong bóng tối của đế quốc và bom đạn, Mẹ đã không chùn bước mà nguyện dấn thân vào con đường cách mạng. Mẹ từng bị địch bắt, giam cầm và tra tấn dã man, để lại thương tích suốt đời. Những vết sẹo trên thân thể Mẹ là chứng tích sống động của một thời đau thương mà kiêu hãnh.
Gia đình Mẹ Trị có 3 liệt sĩ bao gồm: chồng Mẹ – ông Ngô Tưởng, hy sinh năm 1956 khi đất nước còn ngổn ngang khói lửa. Hai con gái của Mẹ cũng là liết sĩ là Ngô Thị Điểu và Ngô Thị Cúc, lần lượt ngã xuống năm 1970 và 1973, để lại khoảng trống không gì có thể lấp đầy trong trái tim người mẹ.
Thế nhưng, giữa muôn vàn đau thương mất mát, chưa một lần người ta thấy Mẹ than thân trách phận. Mẹ không chỉ là người mẹ của những người con đã hy sinh cho Tổ quốc, mà còn là biểu tượng sống động của lòng trung trinh, của ý chí bất khuất và tình yêu nước nồng nàn không thể đong đếm.
Không chỉ sống trọn nghĩa với non sông, Mẹ Trị còn là người con hiếu thảo, đã dành trọn tuổi già để phụng dưỡng người mẹ vĩ đại, Mẹ Nguyễn Thị Thứ cho đến ngày Mẹ Thứ qua đời vào năm 2010. Trong suốt quãng đời dài đằng đẵng ấy, Mẹ Trị âm thầm chăm lo từng bữa cơm, viên thuốc cho Mẹ Thứ với sự tận tụy không lời, như một lời tri ân thiêng liêng gửi đến đấng sinh thành và cả những người thân đã nằm xuống.
Chính vì lẽ đó, sự ra đi của Mẹ Trị không chỉ là mất mát của gia đình, mà còn là nỗi đau khôn nguôi trong lòng bao người con đất Quảng và cả dân tộc.
Hôm nay, khi linh cữu Mẹ được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ thị xã Điện Bàn, không ít người dân đã đứng lặng, rơi nước mắt giữa không gian xanh thẳm, để tiễn đưa một ngọn lửa đã cháy trọn đời vì Tổ quốc, vì gia đình, vì nghĩa tình.
Hành trình bất tử trong lòng dân tộc
106 năm hiện hữu trên trần gian, Mẹ Trị sống trọn vẹn nghĩa tình, trung kiên với cách mạng, son sắt với gia đình và dạt dào tình thương với cộng đồng. Những mất mát trong cuộc đời không khiến Mẹ gục ngã, mà chính từ trong đau thương, Mẹ đã tỏa sáng như một đóa sen nở giữa bùn lầy, thơm ngát nhân gian..
Năm 2007, Mẹ được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, một danh hiệu xứng đáng dành cho người phụ nữ đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc và gia đình.
Mẹ Trị đã đi xa, nhưng hình bóng của Mẹ vẫn còn nguyên vẹn trong lòng dân. Mỗi lần nhắc đến tên Mẹ, người ta lại nhắc đến một người phụ nữ với đôi vai gầy gánh trọn nỗi đau mất chồng, mất con, nhưng vẫn đứng vững như cây bồ đề giữa bão giông. Mẹ là hiện thân của sự bao dung, là tiếng lòng của đất nước, là cội nguồn của sức mạnh dân tộc.
Mẹ Lê Thị Trị đã trở về với lòng đất mẹ Điện Bàn, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi chứng kiến những tháng năm kiên cường, và giờ đây là nơi Mẹ an giấc ngàn thu. Bên cạnh Mẹ Nguyễn Thị Thứ, người mẹ của những anh hùng, hai Mẹ lại đoàn tụ, không còn chiến tranh, không còn chia ly, chỉ còn yên bình và thanh thản.
Hôm nay, chúng ta cúi đầu tiễn biệt Mẹ. Mai này, lớp lớp con cháu vẫn sẽ kể nhau nghe về Mẹ, người con gái của Mẹ Thứ huyền thoại, người mẹ của những liệt sĩ, người phụ nữ phi thường đã viết tiếp chương bi hùng cho bản anh hùng ca dân tộc.
Vĩnh biệt Mẹ – ngọn lửa bất diệt trong tim dân tộc. Tên tuổi và nhân cách của Mẹ sẽ sống mãi, như một khúc tráng ca vĩnh hằng giữa đất trời Việt Nam.
Doãn Long – Phan Toàn