Ngày 29/6, vắc xin Covid-19 COVIVAC do Việt Nam nghiên cứu đã chính thức hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 với kết quả sinh miễn dịch tốt.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, vắc xin Covid-19 COVIVAC do công ty Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC), kết quả đánh giá thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 cho thấy vắc xin COVIVAC có tính an toàn tốt, sinh miễn dịch khả quan.
Theo Thứ trưởng Thuấn, vắc xin này đã hoàn thành pha 1 và đang gửi kết quả đánh giá sang Canada để một cơ quan độc lập đánh giá tính sinh miễn dịch.
“Chúng tôi chắc rằng cuối tháng 6 này sẽ có kết quả và sẽ bắt đầu tiến hành pha 2 vào tháng 7 tới, hy vọng trong năm 2021 sẽ xong pha 2 và đầu 2022 sẽ tiến hành pha 3”- GS.TS Trần Văn Thuấn thông tin.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, hiện vắc xin Covid-19 COVIVAC đã hoàn thành giai đoạn 1. Trên dữ liệu ghi nhận cho thấy vắc xin này ở giai đoạn một có tính an toàn rất tốt, đánh giá sơ bộ bước đầu về tính sinh miễn dịch cũng rất khả quan.
“Chúng tôi cũng đang đợi kết quả của Canada là một cơ quan độc lập đánh giá rất khách quan. Cuối tháng 6 này khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế và xin phép triển khai giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu từ tháng 7, được thực hiện ở Thái Bình”, GS Đức Anh cho biết.
Dự tính, giai đoạn 2 sẽ thử nghiệm trên hàng nghìn tình nguyện viên. Nếu tiến triển tốt sẽ xin phép Hội đồng đạo đức triển khai giai đoạn thử nghiệm 3 vào cuối năm 2021.
Trước đó, IVAC thông tin, vắc xin Covid-19 COVIVAC có dạng dung dịch hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng của vắc xin COVIVAC tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm.
Vắc xin COVIVAC là vắc xin Covid-19 thứ 2 do Việt Nam nghiên cứu được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Trước đó, vắc xin Covid-19 Nano Covax đã bước sang giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng. Hiện cũng có hơn 1.000 người đã được tiêm thử nghiệm trên tổng số 13.000 người dự kiến được tiêm thử nghiệm trong giai đoạn 3.
Nhằm đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước, giữa tháng 6, Bộ Y tế đã họp, thống nhất đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vắc xin Nano Covax. Cụ thể tới 15/7 sẽ tiêm xong mũi 1 cho 12 nghìn tình nguyện viên và tới 15/8 sẽ tiêm xong mũi 2 cho tất cả 13 tình nguyện viên.
Giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax nhằm đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc-xin đối với cộng đồng cũng như tác dụng với biến thể của SARS-CoV-2 của Ấn Độ.
Sau khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng cả 3 giai đoạn, các nhà khoa học sẽ có các quyết định tiếp theo.
Thứ trưởng Thuấn chia sẻ: “Bộ Y tế nhận định vắc xin là biện pháp căn bản và lâu dài, đóng vai trò quyết định việc thành công hay không trong chiến lược phòng chống Covid-19 của chúng ta.
Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện nhanh nhất, khẩn trương nhất. Đương nhiên chúng ta cũng không thể cắt được các quy trình phải có để đảm bảo khách quan, khoa học bởi lẽ chúng tôi xác định vắc xin là sản phẩm đặc biệt, không những liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của con người mà còn liên quan tới cả cộng đồng. Chính vì vậy, chúng ta khẩn trương nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ và khoa học”.