Cần tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) góp ý Dự thảo “Chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch CoViD-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”, trong đó đề xuất UBND TP HCM tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của thành phố.

1165

Để phục hồi kinh tế, đề nghị UBND TP HCM bổ sung đối tượng là các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, dịch vụ, môi giới bất động sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản được quay trở lại hoạt động trong tình trạng bình thường mới, sống chung an toàn với virus SarsCoVi-2 vào điểm (3) mục d khoản 6.1 Phần II “Dự thảo Chỉ thị”;

Bổ sung nhiệm vụ của Sở Xây dựng Sở Tài nguyên Môi trường “tổ chức thực hiện Chỉ thị của UBND TP HCM vào Mục 7 Phần II “Dự thảo Chỉ thị”, do các Sở này vừa có nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch, vừa giữ vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế- xã hội kể từ sau ngày 30/09/2021; bổ sung nhiệm vụ của Sở Kế hoạch Đầu tư “chủ trì phối hợp với các Sở, ngành tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố” vào điểm b Mục 7.1 Phần II “Dự thảo Chỉ thị”.

HoREA đề nghị TP HCM xem xét tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của thành phố.

Xem xét tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của thành phốnhư: quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập” đối với “diện tích đất do Nhà nước giao đất để quản lý; đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; đất mà người sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng nằm xen kẽ với phần diện tích đất đã nhận chuyển nhượng đủ điều kiện tách thành dự án độc lập”, theo quy định tại điểm a và điểm b Khoản 5 Điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP).

Nghị định 148/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực kể từ ngày 08/02/2021 và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đề xuất các tiêu chí khu đất đủ điều kiện tách thành dự án độc lập, nhưng cho đến nay, UBND TP HCM chưa ban hành văn bản theo thẩm quyền để xử lý, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Xem xét phê duyệt quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà trước đâytheo chỉ đạo của UBND TP HCM thì Sở Kế hoạch Đầu tư phải trình UBND thành phố ngày 15/05/2021, nhưng cho đến nay Sở Kế hoạch Đầu tư chưa trình UBND thành phố nội dung này, để tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

UBND thành phố ch đạo Sở Tài nguyên Môi trường khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND thành phố trong hơn 2 năm qua về việc phải giải quyết kịp thời hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) cho các dự án nhà chung cư có diện tích tầng hầm lớn hơn diện tích xây dựng khối đế nhà chung cư, vì cho đến nay vẫn còn khoảng 20.000 căn hộ loại này chưa được cấp “sổ đỏ”.

Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo tháo gỡ một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đang làm “ách tắc” nhiều dự án nhà ở, trong đó có việc sửa đổi điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, thực chất là sửa đổi Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở để tháo gỡ ách tắc của các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có đất nông nghiệp, hoặc đã có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở là những dự án có quy mô diện tích lớn, nhưng hơn 5 năm qua chưa được công nhận chủ đầu tư.

Chỉ đạo thực hiện 2 chính sách nhà ở đã có sẵn là chính sách phát triển nhà ở xã hội và chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/07/2021 của Chính phủ và thí điểm ban hành chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp theo đề xuất của Bộ Xây dựng để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân là người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình, để góp phần phục hồi nền kinh tế đất nước vì lĩnh vực bất động sản có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác, trong điều kiện bình thường mới, sống chung an toàn với Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ “xấu hơn” và quan trọng nhất là xem xét cho doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19./.

Theo Tạp chí Xây dựng