“Huyện đường Bình Khê” – Nơi ghi dấu ấn lịch sử về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

826

Cùng vi Nghệ An, Huế và Đồng Tháp, Bình Định cũng luôn tự hào là một trong bốn địa phương trong cả nước là nơi đã từng ghi dấu chân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với Di tích lịch sử Huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định).

Di tích lịch sử Huyện đường Bình Khê

Huyện đường Bình Khê chính là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc đã có những ngày tháng sinh   sống và làm việc.  Để rồi trên mảnh đất Bình Khê hôm nay đã lưu giữ lại những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa – lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Hơn thế nữa, cũng trên mảnh đất tình nghĩa này, nhân dân Bình Định nói chung và Bình Khê (Tây Sơn) nói riêng đã chứng kiến cuộc gặp gỡ và chia tay đầy cảm động của hai cha con Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành.

Một cuộc gặp gỡ và cũng là một cuộc chia tay lịch sử của 2 cha con để sau đó người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân và sau 30 năm quay lại không còn có cơ hội để được gặp lại người cha kính yêu của mình ngày nào nữa.

 Để tôn vinh giá trị lịch sử đó ngày 24/02/2000, di tích Huyện đường Bình Khê đã được UBND tỉnh Bình Định ra quyết định số 426/QĐ-UB xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh để tưởng nhớ lại thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng có những năm tháng sống và làm việc trên đất Bình Khê. Điều này cũng đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ và nhân dân tỉnh nhà, thể hiện tình cảm yêu thương của toàn thể nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ kính yêu.

Đầu năm 2014, UBND tỉnh Bình Định cũng đã quyết định cho phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, bảo tồn và tôn tạo lại Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ngay trên Di tích lịch sử văn hóa Huyện đường Bình Khê.

Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 06/8/2014 và được khánh thành vào ngày 23/5/2015, nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 2,7ha tọa lạc tại thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định với kinh phí khoảng gần 70 tỷ đồng.

Di tích lịch sử Huyện đường Bình Khê – nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng, từ lâu đã trở thành tài sản vô giá, là niềm tự hào của nhân dân tỉnh Bình Định.

Các em học sinh tham quan Huyện đường Bình Khê

 Việc quy hoạch xây dựng, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê có ý nghĩa to lớn nhằm nhắc nhở, giáo dục đối với thế hệ hôm nay và mai sau về tấm gương cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – một nhà Nho yêu nước, mẫn cán, tận tụy vì dân, vì nước và về Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đây chính là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp bước cha anh phát huy trí tuệ góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Các em học sinh tham quan Huyện đường Bình Khê

Theo dòng lịch sử, tháng 5/1901, cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng và được tổng đốc An Tĩnh lúc đó là Đào Tấn đã lệnh cho lý trưởng các làng thuộc xã Chung Cự huy động nhân dân đưa võng, lọng, cờ, trống lên tỉnh rước Phó bảng tân khoa về Kim Liên vinh quy bái tổ.

Theo thông lệ, dân làng mời ông lên võng để bà con rước về làng nhưng ông một mực chối từ, cùng nhân dân đi bộ về làng, vừa đi vừa nói chuyện thân mật.

Tháng 6/1906, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm chức Thừa biện Bộ Lễ.

Được biết, khi còn trẻ, như nhiều người có chí đương thời, ông dùi mài kinh sử, quyết chí đi thi. Nhưng càng học, càng hiểu đời, ông nhận thấy “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”, nghĩa là Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ lại càng nô lệ hơn.

Từ đó, ông luôn dạy các con với châm ngôn “Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình”.

Lực lượng công an viếng thăm Huyện đường Bình Khê

 Cụ Nguyễn Sinh Sắc Vi Bình Đnh  

Ngày 5/5/1909 (tức ngày16/03 âm lịch), Nguyễn Sinh Sắc được lệnh phái vào Hội đồng chấm thi Hương tại Trường thi Bình Định và ngày 1/7/1909, cụ được triều đình bổ nhiệm chức tri huyện Bình Khê.

Huyện đường Bình Khê xưa là một ngôi nhà nhỏ xây bằng gạch, khung gỗ, mái tranh, nền đắp cao, xung quanh kè đá, lát gạch thường.

Huyện đường chỉ dài chừng 6m quay mặt về hướng đông nhìn ra sông Kôn, chính giữa là công đường – nơi làm việc của quan viên trong huyện, hai bên là hai phòng để tiếp khách. Phía sau Huyện đường là tư gia của quan tri huyện, sau nữa là nhà giam thường phạm.

Trải qua nhiều biến cố, dấu vết của huyện đường Bình Khê xưa hầu như không còn gì, nhưng cái tên Huyện đường Bình Khê luôn gắn với hình ảnh một vị quan thanh liêm cùng người con trai với đôi mắt tinh anh từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân Đồng Phó, Tây Giang, Tây Sơn, Bình Định.

Với quyền hạn của quan tri huyện, cụ Nguyễn Sinh Sắc thường đứng ra bênh vực dân nghèo. Cụ tha người thiếu nợ địa chủ, tha dân nghèo nấu rượu  bị Pháp bắt nhưng lại nghiêm trị bọn cường hào ác bá, lưu manh trộm cắp. Những vụ kiện lớn Cụ xử công bằng, những vụ kiện nhỏ Cụ khuyên giảng hòa.

Cụ cũng không thúc ép dân phu đài tạp dịch, có khi còn vận động nhân dân không nộp thuế, người Pháp hỏi thì cụ trả lời: “Dân chúng không nộp tiền cho huyện, huyện lấy tiền đâu ra tiền nộp cho nhà nước?”.

Bên cạnh đó, là người yêu nước nên hễ có điều kiện là Cụ khích lệ tinh thần yêu nước.

Các cơ quan, đoàn thề đến viếng thăm khu di tích Huyện đường Bình Khê

Trong thời gian sống và làm việc tại Bình Khê, cụ Nguyễn Sinh Sắc thường đến nhà đàm đạo về thời cuộc với Tú tài Nguyễn Văn Chơn (Tú tài Nguyễn Văn Chơn – người Đồng Phó, là cha của Nguyễn Hàn, tức Chánh Kham – Chánh tổng Vĩnh Thạnh, người cầm đầu phong trào chống thuế của nhân dân Bình Khê năm 1908, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo).

Là quan tri huyện nhưng cụ thường giành nhiều thời gian thăm viếng dân chúng, nhất là những người nghèo. Cụ đến với dân như đến với người thân, lặng lẽ, chân thành, không khoa trương, không kẻ hầu người hạ.

Đến năm 1917, cụ Nguyễn Sinh Sắc về Cao Lãnh (Đồng Tháp) và kết thân với nhiều nhà nho yêu nước trong đó có ông Lê Văn Đáng (Chánh Nhất Đáng), ông Trần Bá Lê (Cả Nhì Ngưu), ông Phó Hoành (Cử Hoành), ông Phạm Hữu Lầu và ông Lưu Kim Phong…. Cụ cũng với những người này tổ chức hội họp, bàn bạc việc nước, góp phần hình thành một bộ phận tiền thân của chính Đảng cách mạng ở địa phương…

Tại đây, ông Trần Bá Lê dựng cho Cụ một căn nhà nhỏ để cụ xem mạch cho toa và dạy nghề thuốc.

Trong suốt quá trình hoạt động tại miền Nam, cụ Sắc quan hệ với rất nhiều cá nhân, tổ chức yêu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Khu tưởng niệm Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Di tích lịch sử văn hóa Huyện đường Bình Khê là công trình văn hóa lớn của Đảng bộ và nhân tỉnh Bình Định nhằm tri ân công lao của to lớn Cụ – người có công sinh thành, dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người Anh hùng giải phóng dân tộc của chúng ta và là người danh nhân văn hóa thế giới.

                                                         Phan Toàn – Tín Trọng