Quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí đất xây nhà ở công nhân

Các khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp để xây dựng nhà ở công nhân, đây là chỉ đạo “nóng” mà Bộ Xây dựng vừa đưa ra nhằm đảm bảo vấn đề an sinh cho công nhân lao động tại địa phương.

959
Quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí đất xây nhà ở công nhân

Khu công nghiệp phải bố trí đất xây nhà ở công nhân

Bộ Xây dựng vừa ban hành chỉ đạo “nóng” gửi UBND các tỉnh, thành phố về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Đồng thời, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân cần được nâng cao chất lượng; có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương cần bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao… trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhất là tại khu vực có đông công nhân và người lao động.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Đáng chú ý, các địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà xã hội.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao). Phấn đấu từ năm 2026 trở đi, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Giải pháp nào cho nhà ở công nhân?

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị về một số nội dung liên quan đến việc xây dựng nhà ở công nhân tại các Khu công nghiệp và Khu chế xuất nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vấn đề phát triển nhà ở công nhân.

Trong đó, trọng tâm là những vướng mắc cơ chế chính sách về trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội; chủ đầu tư nhà ở xã hội; nguồn vốn đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; triển khai đề án; hình thành 01 gói nhà ở cho công nhân…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất là nhiệm vụ quan trọng.

Bộ trưởng cũng nhận định: “Các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đã tập trung quan tâm, xác định được kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tập trung xây dựng các thiết chế công đoàn, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động”.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định hiện hành để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại cũng như sẽ thống nhất điều chỉnh đồng bộ vào các Luật trong thời gian tới và hình thành cơ chế phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, vấn đề nhà ở xã hội nhất là công nhân lao động nhập cư tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế là những vấn đề rất bức xúc từ nhiều năm. Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho vấn đề này càng trở nên nóng bỏng, nếu không có cách nhìn nhận và những giải pháp phù hợp thì có thể kéo theo nhiều hệ luỵ không tốt về an ninh chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng giai cấp công nhân…

Theo tìm hiểu được biết, cả nước hiện có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án). Với diện tích kể trên thì cả nước mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Riêng đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay trên địa bàn cả nước, số lượng mới đủ bố trí cho hơn 330.000 người lao động, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020.

Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, thời gian qua, tác động của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động…

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú), nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, việc làm, thu nhập của người lao động cùng các gói hỗ trợ công nhân lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đơn cử như tại Bắc Giang – địa phương đầu tiên gánh chịu làn sóng Covid-19 lần thứ 4 – đã phát triển mô hình thiết chế nhà ở cho công nhân “vừa chống dịch vừa sản xuất” tại các khu công nghiệp và ghi nhận hiệu quả rõ rệt.

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Tại thời điểm Bắc Giang gánh chịu làn sóng Covid-19 lần thứ 4, mô hình nhà ở cho công nhân tại địa phương này đã hạn chế việc các công nhân từ tỉnh ngoài đến làm việc phải ở trong các xóm trọ chật chội với mật độ dày. Cách thức này bản chất là giảm thiểu quan hệ của các công nhân đối với địa phương bên ngoài, đảm bảo tính lây lan thấp nhất.

Do đó, việc đưa sản xuất trở lại, phòng dịch ngay từ trong doanh nghiệp, bản thân mô hình sản xuất phải có khả năng thích ứng và chống chọi được với dịch bệnh cũng chính là giải pháp để chống dịch, nói đúng hơn là cách để cắt đứt chuỗi lây lan từ khu công nghiệp ra bên ngoài và từ bên ngoài vào khu công nghiệp. Vì vậy, phòng chống dịch tốt là cơ sở để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và khôi phục kinh tế”./.

Nguồn: https://reatimes.vn/quy-hoach-khu-cong-nghiep-phai-bo-tri-dat-xay-nha-cong-nhan-20201224000007001.html