Tập trung xây dựng trụ cột thể chế để phát triển bền vững vùng Nam Bộ

352

Ngày 29-10, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ tổ chức Hội thảo khoa học Thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng Nam Bộ và lân cận.

Chủ trì hội thảo có PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ và TS Trần Văn Khuyên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng Đông Nam Bộ năm 2023 ước đạt 5,06% so với mức tăng 5,05% của cả nước. Quy mô GRDP của vùng đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP), GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước 675 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài có 4/6 địa phương trong Vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, cơ cấu kinh tế GRDP của vùng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh, trụ cột có tính quan trọng và kích hoạt cho sự phát triển vượt bậc, để khơi thông mọi nguồn lực, tiềm năng của vùng Nam Bộ đó chính là trụ cột thể chế. Ngoài những trụ cột bao gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các nguồn lực khác (Công nghệ, tài chính, văn hóa, xã hội,…).

Nếu “khơi thông ” được trụ cột “động mạch chủ: thể chế” sẽ giúp kích hoạt, khơi thông toàn bộ “cục máu đông” của toàn bộ nền kinh tế và xã hội, từ đó sẽ lan tỏa và khơi thông các yếu tố trụ cột quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia, vùng, và từng địa phương như: Cơ sở hạ tầng, nguồn lực công nghệ, nguồn lực tài chính, nguồn lực văn hóa, nguồn lực xã hội khác,…

Hội thảo là cơ sở xây dựng khuyến nghị, tư vấn chính sách đối với các cơ quan, Ban, ngành Trung ương, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị về các vấn đề lý luận, căn cứ pháp lý và thực tiễn về thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng và những vấn đề đật ra cho Vùng Nam Bộ và lân cận hiện nay.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, nhận diện các vấn đề tồn tại của thể chế, đặt ra cho phát triển bền vững trong liên kết vùng Vùng Nam Bộ và lân cận hiện nay. Phân tích các nguyên nhân, yếu tố tác động phát triển vùng Nam Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế sáng tạo trong giai đoạn mới. Qua đó nhằm đề xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách, dự báo xu hướng để hoàn thiện thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng đặt ra cho Vùng Nam Bộ và lân cận.

Vùng Nam Bộ bao gồm Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ với 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là vùng có vị trí địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng và an ninh quan trọng của Việt Nam. Vùng có 2 thành phố trực thuộc trung ương, trong đó TPHCM là thành phố lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội và chính trị lớn nhất tại vùng.

TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Tỉ lệ đô thị hoá của vùng đạt 67%, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong 6 Vùng kinh tế – xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước; trong đó có khoảng 1,5 triệu ha đất trồng lúa mầu mỡ bậc nhất ở nước ta và trên thế giới; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới. Là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.

Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỉ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước.

Mặc dù đóng góp GDP lớn nhất so với các vùng khác trong cả nước song vùng Nam Bộ vẫn được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn của vùng. Trong giai đoạn mới với xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra nhiều cơ hội, thách thức cho vùng đầu tàu kinh tế của Việt Nam trong phát triển nhanh và bền vững về liên kết vùng và liên kết trong phát triển bền vững, hàng loạt vấn đề mới nổi lên mà một địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết được hoặc tự giải quyết không hiệu quả như giao thông liên vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chủ động đón đầu Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Thúy Nhi